» Sinh hoạt
Hành Hương Cursillo 2011, Bước theo chân Thầy phần 2
20/3/2012, 12:55 am
Từ Biển Chết trở về, Hành Trình Bước Theo Thầy về Jerusalem để cùng chịu khổ nạn và chết với Thầy. Kinh Thành Jerusalem trên cao và giữa những ngọn đồi trong vùng đồi núi Judea.

PHẦN HAI - Nơi đây được Thiên Chúa chúc phúc và chọn làm nơi thờ phượng Ngài. Từ nơi đây, các triết gia, tiên tri, và Đức Kitô đã tuyên ngôn về luật luân lý vĩnh cửu và tình yêu thương đồng loại. Cũng tại nơi đây, ngọn lửa đức tin thiết lập những luật lệ về tôn giáo, nền công chính, và niềm tin cho nhân loại. Đây là thủ đô tôn giáo của một nửa nhân loại. Đối với người Do Thái, Jerusalem là biểu tượng của vinh quang quá khứ và kỳ vọng trong tương lai. Đối với người Kitô hữu, đây là kinh thành nơi Đức Giêsu hoạt động, đồng thời là nơi Ngài chịu chết và sống lại. Đối với người Hồi Giáo, đây là nơi họ tin tưởng tiên tri Mahomed về trời. Jerusalem, nguồn gốc của niềm tin và hoà bình, thành thánh của thế giới, cũng là thành phố của sự sợ hãi, chiến tranh, và máu đổ. Đã có nhiều cuộc chiến tranh trong kinh thành. Bước đi trong kinh thành Jerusalem là bước đi trên máu đào của nhân loại qua những cuộc chiến tranh trải dài trong lịch sử. Jerusalem bị bao vây tới 50 lần, bị chiếm đóng 36 lần, và bị phá huỷ 10 lần. Những nguyên thuỷ của Jerusalem bị mất mát. Kinh thành được nhắc tới trong Thánh Kinh thời Abraham với tên gọi là Salem có nghĩa là hoà bình: “Và Melkisêđê, Vua Salem dâng bánh rượu lên Thiên Chúa, Ngài là linh mục của Thiên Chúa Tối Cao.” (Gen. 13:18). Vào thế kỷ 10 trước Chúa Giáng Sinh, Vua David chiếm lại kinh thành từ tay người Jebusites. Sau đó, kinh thành biến thành thủ đô, và là nơi đặt để Hòm Bia Giao Ước.
Về Jerusalem, chúng tôi đến viếng thăm Nhà Nguyện Lên Trời trên Núi Cây Dầu- Núi Olivêtê. Núi Cây Dầu nằm về phía đông Jerusalem qua thung lũng Kidron. Đỉnh núi cao hơn Jerusalem 300 feet và từ đó, nhìn về phía cổ thành Jerusalem rất đẹp và huy hoàng. Cũng từ đỉnh núi này, du khách có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh của những ngọn đồi Judea cho tới Biển Chết với ngọn núi Moab phía đông tuyệt đẹp. Núi Cây Dầu được người Thiên Chúa Giáo và Do Thái tôn kính. Đối với họ, Núi Cây Dầu là nơi các Tiên Tri Haggai, Zechariah, và hầu hết các biến cố của cuộc đời Chúa Cứu Thế xảy ra tại đây. Trên Núi Cây Dầu, Đức Kitô lên trời, Ngài cũng báo trước sự tàn phá Jerusalem tại đây, và nơi đây, Ngài dạy các Tông Đồ Kinh Lạy Cha. Đức Kitô thường đến đây cầu nguyện và suy niệm. Đôi khi, Ngài cũng đến đây qua đêm để thoát khỏi Jerusalem trong những dịp đặc biệt dưới những lùm cây hay trong những hang kín.
Hành Trình Bước Theo Thầy viếng thăm toàn bộ khu vực Đền Thánh Jerusalem, được gọi là Núi Moriah. Núi Thánh Đền Thờ được tôn kính do 3 Tôn Giáo lớn: Kitô Giáo, Do Thái Giáo, và Hồi Giáo. Đối với người Do Thái, núi này là nơi Đền Thánh được xây dựng khi xưa. Đối với người Kitô Giáo, nơi đây, Đức Kitô đã sống và hoạt động qua nhiều biến cố trong Đền Thánh. Đối với người Hồi Giáo, núi này là nơi Thánh thứ 3 sau Mecca và Medina. Lịch sử núi Moriah hay Núi Thánh Đền Thờ có nguồn gốc từ thời Abraham. Theo truyền thống và Thánh Kinh, trên núi này, Abraham đã chuẩn bị sát tế Isaac dâng lên Thiên Chúa. (Genesis 22:1 – 22). Những thời gian sau cùng của triều đại, David đã mua núi này để Araunah người Jebusite làm sân đập lúa (Samuel 24:18 – 25). Vua cho xây Bàn Thờ kính Thiên Chúa. Vua David hứa xây Đền Thánh dâng kính Thiên Chúa, nhưng vinh dự này dành cho người con là Solomon. Solomon đã xây Đền Thánh lộng lẫy nguy nga với những gỗ quý, đồng, và vàng từ phương xa chuyên chở về. Đền Thánh huy hoàng tráng lệ này đã bị Nebuchadnezzar phá huỷ vào năm 587 B.C. Người Do Thái đã bị lưu đầy bên Babylon. 50 năm sau, với những ngày hồi hương hân hoan, Đền Thánh với diện tích nhỏ hơn được Zerubabel xây dựng lại tại đây. Vua Herod Cả ước mơ xây dựng lại Đền Thánh lớn hơn. Trên 10,000 công nhân được xử dụng vào công việc vĩ đại này. Đền Thánh được thực hiện lớn hơn và vẫn giữ nét đẹp và vẻ huy hoàng của Đền Thánh cũ. Công trình khởi sự vào năm 20 B.C và hoàn thành vào năm 64 A.D. Nhưng 6 năm sau, Đền Thánh lại bị phá huỷ. Đền Thánh do Herod xây là nơi Đức Giêsu hoạt động. Năm 70 A.D. Đền Thánh này bị quân đội của Titus đốt cháy. Titus đã cố gắng giữ lại Đền Thánh, nhưng binh sĩ của ông đã ném đuốc cháy vào cửa sổ và Đền Thánh bị thiêu huỷ. Chân Đèn 7 Ngọn (The Menorah) còn sót lại và Titus đã mang về Roma. Năm 135 A.D. sau khi dẹp tan cuộc nổi dậy thứ 2 của Do Thái, Hadrian đã biến khu vực Đền Thánh thành đền thờ thần Jupiter. Những người Kitô hữu đầu tiên nhìn núi Moriah như là nơi bị Thiên Chúa nguyền rủa và biến thành nơi hoang tàn đổ nát. Năm 636 A.D. người Hồi Giáo chiếm được Jerusalem, và Khalif Omar đã xây một đền thờ Hồi Giáo tại đây và họ xác định đây là nơi tiên tri Mahomed về trời. Năm 691, Adbed El Malik Ben Marwan, dòng dõi Omayad Khalif, đã thực hiện một đền thờ Hồi Giáo lớn hơn như hiện nay.
Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock) được xếp vào loại nơi Thánh thứ 3 của Hồi Giáo sau Kaaba tại Mecca và phần mộ của Tiên Tri Mahomed tại Medina. Đây là một trong những Đền Thờ Hồi Giáo đẹp nhất của thế giới Hồi Giáo. Trải qua 13 thế kỷ, Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock) được tu sửa lại nhiều lần. Nhưng Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock) hiện nay còn giữ được nguyên hình dáng của năm 691. Khi Đạo Binh Thánh Giá chiếm lại được Jerusalem vào năm 1099, Đền Thờ này được biền đổi sang Nhà Thờ Công Giáo với tên gọi là Đền Thờ Thiên Chúa (Templum Domini). Sau khi Đạo Binh Thánh Giá bị đánh bại tại Horns of Hittin năm 1187, Cây Thập Tự chiếu sáng 88 năm trên đỉnh Vòm Đền Thờ bị mang xuống và thay thế bằng huy hiệu Hồi Giáo. Từ thời gian đó, Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock) của Hồi Giáo trở thành một di tích kỷ niệm đặc biệt tại Jerusalem. Mô hình được xây theo kiểu Byzantine và được thực hiện bởi các nghệ nhân Byzantine, nhưng trang trí theo kiểu đông phương. Bên ngoài có những cửa 8 cạnh khoảng 63 feet với đường kính là 180 feet. Mái Vòm cao khoảng 108 feet với đường kính là 78 feet. Cấu trúc với hình 8 cạnh lồng trong những miếng cẩm thạch cao tới 18 feet, và trên cùng, với những bức tường trang trí bằng ngói Thổ Nhĩ Kỳ sáng chói. Mái vòm làm bằng những đĩa nhôm mạ vàng lóng lánh dưới ánh sáng mặt trời.
Một Đền Thờ Hồi Giáo El Aksa phía nam được xây dựng vào khoảng năm 709 – 715 do Khalif Waleed, con của Abed El Malik, người đã xây dựng Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock). Cấu trúc hiện nay còn rất ít những di tích nguyên thuỷ, vì Đền Thờ Hồi Giáo này bị phá huỷ nhiều lần. Đền Thờ này nằm trên nơi dinh thự của vua Solomon và trên nền của Nhà Thờ Byzantine cổ. Trong thời kỳ Đạo Binh Thánh Giá chiếm đóng Jerusalem, Đền Thờ Hồi Giáo này được dùng làm dinh thự cho các vua Roma và sau này biến thành tổng hành dinh của hội hiệp sĩ các Đền Thờ. Đền Thờ Hồi Giáo El Aksa được dùng cho việc cầu nguyện chung trong khi Đền Thờ Mái Vòm Đá (The Dome of the Rock) được dùng cho cá nhân thờ phượng.
Đoàn thăm viêng Nhà Nguyện Lên Trời tại đây. Sách Tông Đồ Công Vụ (1:9 – 12) diễn tả sự kiện Đức Giêsu đưa các Tông Đồ lên Núi Olivetê – Núi Cây Dầu. Sau khi chúc lành cho họ, Ngài lên trời. Trên đỉnh Núi Cây Dầu được nhìn nhận là nơi Chúa lên trời. Tông Đồ Công Vụ thuật lại sự kiện các Tông Đồ rời bỏ Núi Cây Dầu, khoảng cách với Jerusalem ước chừng một ngày đi đường trong ngày Sabbath, khoảng 1000 yards. Một Nhà Thờ kiểu Byzantine được xây tại đây vào thế kỷ thứ 4, sau đó, bị phá huỷ năm 614 do người Ba Tư. Đạo Binh Thánh Giá đã xây dựng Nhà Thờ khác vào thế kỷ 12. Nhà Nguyện nhỏ hiện nay được Đạo Binh Thánh Giá xây ngay nơi tảng đá có dấu chân Đức Kitô lên trời. Những người Hồi Giáo vẫn còn cai quản khu vực này và họ thực hiện xây tường cũng như xây thêm một mái vòm như hiện nay.
Sau đó, Hành Trình Bước Theo Thầy thăm viếng Bức Tường Than Khóc hay Bức Tường Phía Tây (Western Wall or Wailing Wall). Nhin đoàn người lũ lượt gục đầu vào Bức Tường Than Khóc để cầu nguyện. Nơi đây, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Benedictô cũng đã đến cầu nguyện khi thăm viếng Israel. Chúng tôi cũng nhập cuộc để vào chạm Bức Tường và cầu nguyện. Nữ một phía, nam một phía. Khi vào nơi đây, họ khám từng người rất kỹ lưỡng như khi lên phi cơ. 7 anh em nam giới chúng tôi phải đội nón kipa, nón thánh của người Do Thái khi đi cầu nguyện. Kipa là một mũ chỏm mầu trắng. Chúng tôi đội kipa xong, vào Bức Tường và gục đầu cầu nguyện. Sau đó, tò mò hơn, chúng tôi lần vào nơi Cực Thánh của người Do Thái. Từng đoàn người cũng đang cầu nguyện và đọc sách Tora. Chúng tôi vào tới chỗ người Do Thái làm phép cắt bì cho trẻ nam khoảng 12 tuổi. Nhìn thấy những nhà Tạm theo khuôn mẫu xa xưa để chứa Hòm Bia Thánh. Những Cuộn Thánh Kinh, Sách Luật Tora...để đầy theo Bức Tường Cổ Xưa trên 2000 năm tuổi. Lòng chúng tôi chùng xuống theo với thời gian trong Cựu Ước.
Bức Tường Phía Tây hay Bức Tường Than Khóc (Western Wall or Wailing Wall) là Thánh Địa quan trọng nhất của người Do Thái. Đó là di tích duy nhất còn lại của Đền Thờ Jerusalem. Bức Tường Phiá Tây là một phần của bức tường Đền Thờ thứ 2 do Vua Herod xây dựng vào năm 20 B.C. Titus vào năm 70 A.D. đã dùng khu vực này biểu dương sự vĩ đại của quân lính Roma. Họ đã phá huỷ tất cả Đền Thờ. Trong thời đế Quốc Roma, người Do Thái không được đến Jerusalem. Tuy nhiên, vào thời Byzantine, người Do Thái được phép đến mỗi năm 1 lần vào ngày kỷ niệm Đền Thờ bị phá huỷ, để họ tưởng nhớ, khóc than, và đau thương trên những di tích của Đền Thờ. Do đó, phần này còn được gọi là Bức Tường Than Khóc (Wailing Wall). Phong tục người Do Thái cầu nguyện và than khóc tại Bức Tường Phía tây kéo dài nhiều thế kỷ. Từ năm 1948 – 1967, người Do Thái không được phép thăm viếng Bức Tường vì nó thuộc về lãnh thổ của người Jordan. Sau cuộc chiến 6 ngày, Bức Tường Than Khóc trở thành nơi thăm viếng và thờ phượng. Khung cảnh này có thể chứa tới cả ngàn người đến đây hành hương.
Sau đó, chúng tôi đi thăm Tường Thành Jerusalem, Bức Tường thành nhiều lần chúng tôi đi qua. Được xây bằng những phiến đá rất lớn. Tường thành Jerusalem hiện nay được kiến trúc và xây dựng qua nhiều niên đại khác nhau. Tường Thành hiện nay được xây dựng từ thời người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng dưới thời Suleiman the Magnificent vào năm 1542 A.D. Tường thành cao 40 feet và dầy 2 feet 5, có tất cả 34 tháp canh và 8 cửa: New Gate, Damascus Gate, Herod Gate, St. Stephen Gate, Golden Gate, Dung Gate, Zion Gate, và Jaffa Gate.
Trở về Hotel ăn tối xong, chúng tôi tiếp tục Hành Trình Bước Theo Thầy vào Vườn Cây Dầu, Vườn Giệtxêmani để cầu nguyện và canh thức với Thầy. Đi theo chúng tôi, Sơ Quy và Sơ Thanh Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu cùng cầu nguyện. Khu Vườn Giệtxêmani tối thui giống như thời xa xưa Chúa Giêsu cùng các Tông Đồ nhiều lần vào đây cầu nguyện. Những cây Dầu ngàn năm lặng lẽ. Tiếng gió xào xạc Mùa Thu qua kẽ lá. Chúng tôi xếp vòng tròn, ngồi bệt xuống đất như Thầy Trò xưa kia cùng cầu nguyện. tâm tình cảm xúc trào dâng. Những tâm hồn thao thức với những âu lo, trăn trở nặng trĩu của đời người. Nhiều người tấm tức khóc với Thầy và tha thiết cầu nguyện. Không gian như chùng xuống. Những tâm hồn trải qua những thách đố, giờ đây được sưởi ấm của tình yêu Thầy. chúng tôi khóc như chưa bao giờ được khóc với Thầy. Bầu khí cầu nguyện rất cảm động. Tôi lắng nghe những tiếng thổn thức của từng người. Tôi dâng lên Thầy Phong Trào Cursillo, những người thân yêu nhờ tôi cầu nguyện. Tôi khám phá ra mình quá nhỏ nhoi trong Vườn Giệtxêmani. Mãi tới 9.30 tối, khi Cổng Vườn phải đóng cửa, chúng tôi mới bịn rịn từ giã Thầy lên đường về Hotel. Những giọt nước mắt của yêu thương, của chia sẻ, của xúc động còn ngấn dài trên đôi mắt mọi người trong giấc ngủ bình an với Thầy. Hẹn với Thầy sáng hôm sau sẽ Dâng Thánh Lễ với Thầy trong Vườn Giệtxemani bên tảng đá hấp hối của Thầy.

Vườn Giệtsêmani với Cây Dầu ngàn năm.
Sáng ngày 24 tháng 10, mặt trời thức dậy sớm, nhưng chúng tôi còn thức sớm hơn. Dùng breakfast xong, chúng tôi lên xe bus trực chỉ vườn Giexemani. Vào trong Nhà Thờ Hấp Hối còn ít người, chúng tôi quỳ ngay xuống chung quanh Tảng Đá Chúa Hấp Hối năm xưa trong Vương Cung Thánh Đường Hấp Hối. Ánh sáng mờ ảo do kiến trúc bằng kiếng mầu. Chúng tôi sốt sắng đồng hành với Thầy trong cơn Hấp Hối xưa kia của Thầy. Thành Lễ tại Vườn Cây Dầu bắt đầu với Bài Hát Giờ Tử Nạn đau thương. Thánh Lễ trang nghiêm, sốt sắng và cảm động. Ai cũng đặt những vật kỷ niệm lên tảng đá Hấp Hối mà Thầy xưa kia đã quỳ gối cầu nguyện. Chúng tôi dâng gia đình Hành Hương, dâng gia đình cá nhân, con cái, bạn bè, những người thân yêu, những người nhờ chúng tôi cầu nguyện, dâng tất cả cho Thầy với tâm tình yêu mến. Sau Thánh Lễ cảm động và sốt sắng, chúng tôi được đặc ân do Cha Phụ Trách Vườn Cây Dầu mở cổng riêng cho chúng tôi vào khu vực 8 cây dầu ngàn năm, đã từng chứng kiến sự kiện Thầy Chí Thánh Hấp hối. Cả đoàn đều vui mừng đến từng Cây Dầu 3000 tuổi để hôn, để chụp hình lưu niệm, trước những sự thèm khát của các đoàn hành hương khác không được vào trong. Chúng tôi cầu nguyện rất nhiều cho Quê hương và Giáo Hội Việt Nam tại nơi đây.
Qua lịch sử, khu vườn Giệtxemani là một trong những điạ điểm lôi cuốn nhất của Đất Thánh, nằm dưới chân Núi Cây Dầu. Vườn này vẫn còn nguyên vẹn từ 2000 năm nay. Đối diện với kinh thành ngăn cách do thung lũng Kidron, Vườn Giệtxemani vẫn còn nguyên vẹn như thời Đức Giêsu, kể cả một số cây dầu cổ xưa còn lại. Thánh Gioan kể lại: “Đây là nơi Đức Giêsu thường đến để hồi tâm và cầu nguyện.” (Luke 22:39). Tại đây, Đức Giêsu đã trải qua đêm buồn thương sau cùng của cơn hấp hối. Ngài chấp nhận đau khổ và cái chết trên Thập Giá để cứu độ nhân loại: “Lạy Cha, nếu được, xin cất chén này khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha trọn vẹn.” (Luke 24:42). Juda đã đến cùng với những quan quân của Thầy Cả Thượng Tế và Juda trao nộp Ngài cho họ. (Matthew 26:47, Mark 14:44, Luke 22:47, John 18:23). Tất cả Tông Đồ đều chạy trốn để lại mình Ngài ứng nghiệm với lời tiên tri: “Ta sẽ đánh chủ chiên và đoàn chiên tan tác.” Đức Giêsu bị bắt tại đây và bị điệu tới dinh Caipha. Sau đó, bị kết án tử hình chết trên Thập Giá. Trong khu vườn Giệtxemani còn 8 cây dầu với khoảng 3000 năm tuổi. Josephus nói tới sự kiện Titus đã chặt bỏ hết cây cối quanh vùng Jerusalem vào năm 70 A.D. Những cây dầu này có lẽ đã chứng kiến sự kiện Đức Giêsu đã cầu nguyện và hấp hối tại đây như Pliny đã viết: “Những cây dầu này đã không chết.” Và nó vẫn còn mang hoa trái. Được biết, Vương Cung Thánh Đường Giệtxemani từ năm 379, người Byzantines xây Đại Giáo Đường thứ 1 trên nơi Đức Giêsu cầu nguyện và hấp hối. Đại Giáo Đường này bị phá huỷ năm 614 do người Ba Tư. Vào thế kỷ 12, Đạo Binh Thánh Giá xây lại Nhà Thờ mới, nhưng lại bị phá huỷ. Nhà Thờ hiện tại rất đẹp tại Jerusalem và được xây lại vào năm 1919 – 1924. Khi 16 quốc gia gửi tiền xây dựng Nhà Thờ này, Nhà Thờ mang tên “Church of all Nations – Nhà Thờ của các Dân Tộc.” Mỗi dân tộc gửi tặng đều có một mái vòm kỷ niệm và tất cả các mái vòm đều trang trí bằng mỹ thuật mosaics với những cửa sổ đẹp tuyệt vời. Ánh sáng mờ mờ xuyên qua cửa kính mầu thẫm tạo thành nét huyền nhiệm và thích hợp cho bầu khí cầu nguyện và suy niệm. Một tảng đá cổ truyền lớn ghi nhớ cuộc hấp hối của Đức Kitô được đặt trước bàn thờ chính. Một phần nền Nhà Thờ kiểu Byzantine được khám phá và được hình thành lại bởi nghệ thuật mosaics tuyệt hảo theo như nguyên bản xưa kia. Mặt tiền Nhà Thờ với tượng của 4 Thánh Sử đang cầm cuốn sách tuyệt đẹp. Một hình mosaic diễn tả Đức Kitô dâng hiến đau khổ cho Thiên Chúa Cha và cả nhân loại được thực hiện rất xuất sắc.
Sau đó, Hành Trình Bước Theo Thầy lại lên Núi Cây Dầu Hành hương Thánh Đường Kinh Lạy Cha - Pater Noster. Chúng tôi xuống hang sâu dưới đất, nơi Thầy Chí Thánh dạy các Tông Đồ Kinh Lạy Cha. Chúng tôi sốt sắng nắm tay nhau cùng đọc Kinh Lạy Cha chính nơi Thầy đã dạy cho các Môn Đệ xưa kia. Từng đoàn người hành hương lũ lượt xếp hàng vào thăm viếng Thánh Đường Kinh Lạy Cha. Theo sử liệu, Nhà Thờ Kinh Lạy Cha được xây dựng trên nơi truyền thống Đức Giêsu dạy Tông Đồ của Ngài Kinh Lạy Cha. Ngài cũng tiên báo sự kiện Jerusalem bị phá huỷ và mạc khải ngày Ngài lại đến trong Ngày Tận Thế (Matthew 24:1 – 3, Luke 21:5 – 7). Vua Constantine đã đặc biệt vinh danh nơi Giáng Sinh của Đức Kitô tại Belem cũng như Nấm Mồ Đức Kitô tại Jerusalem trong việc xây dựng những Nhà Thờ nguy nga. Chính vua lại xây dựng một Nhà Thờ trên đỉnh Núi Cây Dầu để nhớ những lời tiên báo của Ngài về sự tàn phá Jerusalem và sự kiện Ngài lại đến trong vinh quang. Nhà Thờ này bị phá huỷ vào năm 614 do người Ba Tư và được Đạo Binh Thánh Giá xây lại vào thế kỷ 12. Sau thất bại của Đạo Binh Thánh Giá, Nhà Thờ này bị phá huỷ và rơi vào tay người Hồi Giáo. Năm 1868, công chúa Aurelia de Bossi của Auvergne mua khu vực này và trao tặng cho nước Pháp. Năm 1875, cô xây một tu viện của Dòng Nữ Carmelite. Bên trong Nhà Thờ và trên các tường luỹ cấm của tu viện, Kinh Lạy Cha được viết bằng 62 ngôn ngữ khác nhau. Sau này, công chúa Aurelia de Bossi qua đời và được an táng trong khu vực luỹ cấm. Cuộc khai quật năm 1910 – 1911 cho thấy những di tích đổ nát của các Nhà Thờ cũ. Năm 1918 nước Pháp cố gắng tổ chức để xây một Đại Giáo Đường kính Thánh Tâm tại đây, nhưng họ không thực hiện được.
Hành Trình Bước Theo Thầy đi bọc sang phía Núi Cây Dầu gần Betphagê, nơi Chúa Giêsu vào Thành Jerusalem trọng thể Ngày Lễ Lá, trước cuộc Tử Nạn của Ngài. Đoàn chúng tôi vừa đi vừa hát Con Đường Chúa Đã Đi Qua: "Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua..." rất sốt sắng. Một số người cầm lá giống như thuở xa xưa Dân Do Thái cầm nhành Ô liu đi đón Chúa vào Thành Jerusalem. Chúng tôi dừng chân nơi Nhà Nguyện Dominus Flevit - Chúa Khóc, nơi Chúa khóc thương thành Jerusalem. Nơi đây nhìn về Thành Thánh Jerusalem rất rõ. Có những cây gai mọc lên và quân lính đã lấy những loại gai này làm Mão Gai hành hạ Chúa.
Nhà Nguyện “Chúa Khóc-Dominus Flevit.” Trong sự kiện Ngài vào thành Jerusalem vinh quang ngày Lễ Lá, Đức Giêsu khi nhìn thấy Thánh Đô, Ngài dừng lại và khóc thương (Luke 19:37-42). Nơi Ngài khóc thương Jerusalem được ghi khắc vào thế kỷ thứ 12 do Đạo Binh Thánh Giá. Nơi đây, họ xây một Nhà Thờ. Sau đó, Đạo Binh Thánh Giá rút quân và nơi đó biến thành hoang tàn. Ngôi Nhà Thờ hiện nay đuợc xây vào năm 1891 với hình thù giống như giọt nước mắt. Bàn thờ được lồng khung bằng cửa sổ kiếng có thể nhìn toàn diện về phía Jerusalem.
Chúng tôi đi dọc trên sườn Núi Cây Dầu, một Nghĩa Trang rất rộng và rất cổ của người Do Thái toạ lạc nơi đây. Nhiều người Do Thái trên toàn thế giới đều muốn chết và được an táng gần thung lũng Jehoshaphat, vì họ tin rằng nơi đây là nơi con người sẽ được sống lại và phán xét chung (Joel 4:1 – 2). Người Thiên Chúa Giáo cũng như Hồi Giáo cũng đều tin như thế, và họ cũng mua nhiều phần mộ tại phía tây của thung lũng Jehoshaphat.

Lạy Chúa Con đường nào Chúa Đã Đi Qua. Chặng Đàng Thánh Giá Jerusalem.
Đoàn Hành Hương về tới Chặng Đàng Thánh Giá Thứ Nhất, người hướng dẫn chuẩn bị Cây Thánh Giá cho đoàn chúng tôi hành hương Thập Tự Theo Bước Chân Khổ Nạn của Thầy. Hành trình Bước Theo Thầy hân hoan cùng vác Cây Thập Tự từ Chặng Thứ Nhất, Quan Philtô luận Giết Đức Chúa Giêsu. Chúng tôi kính viếng Lithostrotos, nơi Philatô kết án Chúa. Rồi đi vòng qua Cổng Ecce Homo-Này Là Người, khi Philatô cho đánh đòn xong, trình diện Chúa Giêsu cho dân chúng thấy mà thương xót. Nhưng dân chúng càng la to: "Đóng đinh nó vào Thập Giá." Con đường Thập Tự loang lổ máu đào của Chúa Giêsu. Chúng tôi thay nhau vác Cây Thập Tự rất cảm động. Những người đi đường, người Arab, người Do Thái, khách hành hương, đều chăm chú nhìn chúng tôi vừa đi vừa hát: "Lạy Chúa con đường nào Chúa Đã đi qua..." Đi qua những nơi đông người mua bán tại khu chợ, dân chúng nhường chỗ cho chúng tôi cầu nguyện hết sức lịch sự. Đường Thánh Giá - Via Dolorosa - Ways of Sorrows -Stations of the Cross, là con đường truyền thống Đức Giêsu đã đi và vác cây Thập Tự lên núi Can-Vê để chịu đóng đinh và chịu chết cứu độ con người trên đó dưới thời Phongxiô Philatô. Những biến cố này được ghi lại bởi 14 chặng đàng Thánh Giá. 9 chặng được dựa trên Thánh Kinh và 5 chặng khác được thực hiện theo truyền thống. 2 chặng đầu tiên nằm trong khu vực thành luỹ Antonia, 7 chặng sau nằm trên đường phố, và 5 chặng sau cùng toạ lạc trong khu vực Nhà Thờ Mồ Thánh. Mỗi ngày thứ 6 hàng tuần, vào lúc 3 giờ chiều, quý Cha Phanxicô luôn luôn tổ chức nghi thức chặng đàng Thánh Giá dọc theo những di tích này.
Những nơi Thánh Tích Thầy Chí Thánh bị hành hạ trong Tu viện quý Sơ Sion, được thành lập do một người Pháp, cha Alphonse Ratisbone từ Strasbourg. Ngài đến Jerusalem năm 1855 và mua miếng đất này bên cạnh vòm “Ecce Homo – Này Là Người.” Những đổ nát được di chuyển đi vào năm 1859 – 1864 và ngài xây tu viện quý Sơ Sion tại đây. Năm 1931 – 1937 Bà Mẹ Bề Trên Godeleine và cha Vincent của Đại Học Kinh Thánh Jerusalem đã khai quật khu vực này. Khu vực Nền Đá Thánh Sử Gioan ghi lại trong Phúc Âm được khám phá: “Philatô đặt Ngài ngồi trên toà xét xử gọi là Nền Đá (John 19:13). Khu vực Nền Đá này được gọi là “Lithostrotos” là nơi Đức Giêsu bị kết án. Tại đây, Philatô di chuyển toà án đến gần đám đông hung hãn đang chờ đợi ngoài cửa Đồn Luỹ Antonia. Philatô đã dẫn Đức Giêsu máu me đầy người cho dân chúng và tuyên bố: “Ecce Homo – Này Là Người.” Sau đó, ông rửa tay và kết án tử hình Đức Giêsu chết trên Thập Giá. Nền Đá này đời xưa thời Đức Giêsu là mặt đất bằng của thành đô. Nơi Đồn Luỹ Antonia Đức Giêsu bị kết án tử hình và bắt đầu Chặng Đàng Thánh Giá từ đây. Những viên đá tại đây đã ghi dấu những dấu chân của Đức Kitô. Những viên đá này khá lớn và được đục đẽo những đường nhỏ trên đá để tránh cho ngựa chiến không bị trượt chân. Nhiều ống dẫn nước bằng đá dẫn nước mưa vào một hồ nước dự trữ phía dưới có thể chứa cả triệu gallons nước mưa.
Đoàn Hành Hương lên Núi Can Vê Đồi Golgotha, đến Chặng Thứ 10, dừng chân và cầu nguyện ở Chặng Thứ 11. Núi Can-Vê là một phiến đá lớn trồi lên phía ngoài khoảng 45 feet. Tên gọi Can-Vê là Núi Sọ hay Golgotha, vì có hình giống như cái sọ. Trên đỉnh núi Sọ có 2 Nhà Nguyện. Nhà Nguyện thứ nhất thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp nằm trên nơi Đức Giêsu bị treo lên Thập Giá. Nhà Nguyện thứ 2 thuộc Giáo Hội Công Giáo là nơi Ngài bị lột áo và đóng đinh. Trên phiến đá này còn có bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Sầu Bi và có một Nhà Nguyện kính Adam phía dưới hầm. Mỗi người chúng tôi hạnh phúc sung sướng được hôn lỗ chôn Thánh Giá của Chúa ở Chặng Thứ 12. Sau đó, chúng tôi xuống thang và hôn Tấm Đá Tẩm Liệm Chúa. Chúng tôi đặt tay và tất cả đồ vật mang theo lên Tấm Đá này để cầu nguyện. Nước mắt lưng tròng, chúng tôi tha thiết dâng lên Thầy những lời cầu xin đầy xác tín và yêu thương cho gia đình, cho bạn bè, cho Phong Trào Cursillo. Xếp hàng rất dài để được vào viếng Mồ Thánh của Chúa trong hang đá Mồ Thánh. Chúng tôi xúc động khi áp mặt xuống phiến đá táng xác Thầy Chí Thánh và cầu nguyện với Thầy.
Tìm hiểu lịch sử trong Thánh Kinh: “Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong khu vườn đó có một ngôi mộ còn mới chưa chôn cất ai. Vì hôm đó là ngày chuẩn bị mừng Lễ Vượt Qua, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.” (John 19:42). Nơi này ngay dưới chân đồi Can-Vê. Ngôi mộ này đặt trong một phiến đá và do gia đình Joseph Arimathea làm ra. Joseph Arimathea “thành viên của Sanhedrin” và là môn đệ Đức Giêsu, nhưng trong kín đáo, vì sợ người Do Thái.” (John 19:38). Ngôi mộ này làm giống theo phần mộ của những người Do Thái giầu có. Ngôi mộ gồm 2 phần, phía ngoài để tụ họp những người thân than khóc, phía trong để xác được đặt trên một phiến đá. Ngôi mộ thật sự của Đức Giêsu đã bị phá huỷ năm 1009 do Khalif Hakem. Phần mộ tưởng niệm ngày nay có một vòm mái Moscovite, được xây lại vào năm 1810 do những người Chính Thống Hy Lạp và Nga Sô. Bên trong ngôi mộ, một phiến đá cẩm thạch ghi dấu nơi xác Đức Giêsu an táng. Theo truyền thống, mọi người tin rằng phiến đá nguyên thuỷ an táng Ngài nằm ngay phía dưới phiến đá cẩm thạch này. “Vậy họ điệu Đức Giêsu đi. Chính Ngài vác lấy Thập Giá đến nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Do Thái là Golgotha.” (John 19:17). Nhà Thờ Mồ Thánh là nơi Cực Thánh của người Thiên Chúa Giáo vì nơi đây là nơi đóng đinh Ngài cùng với Ngôi Mộ của Ngài. Sự kiện đóng đinh Đức Giêsu xảy ra ngoài tường thành và là một địa điểm gần thành.” (John 19:20). Năm 324, Nhà Thờ Mồ Thánh đầu tiên được xây dựng tại trung tâm thành phố trong nội thành. 11 năm sau cuộc đóng đinh, Golgotha bao gồm đường kính mới, được xây dựng vào năm 44 A.D. với tường thành mới do Herod Agrippa. Giữa thế kỷ vừa qua, di tích bức tường cổ của thành phố được tìm thấy bên phía đông bắc của Nhà Thờ bên cạnh bệnh viện Nga Sô. Những nấm mồ của người Do Thái bên trong Nhà Thờ chứng tỏ đây là khu vực ngoại thành thời Đức Giêsu, vì theo luật Do Thái, không ai được quyền an táng trong khu vực thành đô Jerusalem. Khu vực đóng đinh Đức Giêsu được sùng kính đặc biệt do những người Thiên Chúa Giáo đầu tiên. Năm 135 A.D. Hadrian muốn phá bỏ tận gốc những di tích của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo, nên ông đã xây một đền thờ Roma kính thần Jupiter nằm trên núi Can-Vê và phần mộ Đức Giêsu. Ông cũng đã làm như thế tại Belem trên nơi Giáng Sinh của Đức Kitô. Sự thù ghét này đã mang kết quả ngược lại, chính vì ông đã cho ghi lại nơi những di tích quý giá này nên vua Constantine 2 năm sau khi chiến thắng, đã cho xây dựng lại trên những di tích đó. Năm 326, đền thờ do Hadrian xây dựng bị phá huỷ do Thánh Hoàng Hậu Helena. Núi Can-Vê và phần mộ Đức Kitô được tìm thấy nguyên vẹn như trong tường thuật của Phúc Âm. Vua Constantine ra lệnh với sự kiểm soát của Thánh Hoàng Hậu Helena mẹ vua đã xây một Đại Giáo Đường ngay trên Núi Can-Vê và phần mộ Đức Kitô. Công trình vĩ đại này của vua Constantine bị phá huỷ vào năm 614 do người Ba Tư. Công trình được xây dựng lại nhưng với kích thước nhỏ hơn do Abbot Modestos thực hiện, nhưng lại bị phá huỷ do Khalif Hakem vào năm 1009. Sự phá huỷ này đã là nguyên nhân chính dẫn tới việc tổ chức Đạo Binh Thánh Giá. Nhà Thờ được sửa chữa lại vào năm 1048 do Constantine Monomochus. Năm 1149 Đạo Binh Thánh Giá sau khi chinh phục được Jerusalem, đã dựng lên Nhà Thờ Mồ Thánh như hiện nay. Mặc dù có nhiều những sửa chữa và thêm bớt vào trong công trình xây dựng, nhưng Nhà Thờ Mồ Thánh như hiện nay vẫn giữ được những nét nguyên thuỷ ban đầu. Nhà Thờ Mồ Thánh được chia thành 6 phần do 6 cộng đoàn quản nhiệm được ký kết dưới sắc lệnh Status Quo trong thời kỳ người Thổ Nhĩ Kỳ cai quản vào năm 1852. Buổi chiều cùng ngày, Hành trình Bước Theo Thầy chúng tôi đi về Núi Sion. Nơi đây, chúng tôi thăm viếng Đại Giáo Đường Dormition, nơi Đức Mẹ Maria an nghỉ. Một tượng Đức Mẹ rất lớn đang nằm nghỉ yên rất bình an. Đại Giáo Đường Dormition - Đức Mẹ An Nghỉ, là một kiến trúc đặc biệt trên núi Sion. Nơi đây, Đức Nữ Trinh Maria qua đời. Năm 1100, Đạo Binh Thánh Giá xây một Nhà Thờ lớn và đặt tên là Nhà Thờ Đức Mẹ Maria trên núi Sion. Nhà Thờ bị phá huỷ năm 1219 do người Hồi Giáo chiếm khu vực này. Năm 1898, người Thổ Nhĩ Kỳ trao khu vực này cho hoàng đế Đức Wilhelm II. Hoàng đế trao lại cho quý cha Benedictine. Các Ngài đã xây dựng Nhà Thờ như hiện nay vào năm 1910. Hậu cung Nhà Thờ được trang trí bằng hình Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu với mỹ thuật mosaics tuyệt vời. Sàn nhà có biểu tượng của Chúa Ba Ngôi với sự hiện diện của các Tông Đồ bằng mỹ thuật mosaics do Zodiac thực hiện. Dưới hầm Nhà Thờ, tượng Đức Mẹ Maria đang an nghỉ trên giường được điêu khắc bằng đá để diễn tả sự kiện Đức Mẹ qua đời.
Sau đó, Hành trình Bước Theo Thầy hướng về Nhà Tiệc Ly-The Room of the Last Supper. Phòng Tiệc Ly là nơi Đức Giêsu ăn bữa tối Tiệc Ly sau cùng với các Tông Đồ. Ngài thiết lập Thánh Lễ đầu tiên cho nhân loại (Mark 14:12 – 16, Luke 22:7 – 13). Cũng tại Phòng Tiệc Ly này, Đức Giêsu đã hiện ra 2 lần với các Tông Đồ sau khi Ngài sống lại (John 20:19 – 23, 22, 24, 29). Tại đây, Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Tông Đồ (Acts 2:1 – 4). Những người Công Giáo tiên khởi đã chọn Núi Sion là trung tâm điểm của các sinh hoạt. Vào thế kỷ thứ 1, một Nhà Thờ đã được xây dựng tại đây. Nhà Thờ này không bị tàn phá vào năm 70 A.D. cũng như trong cuộc binh biến năm 135 A.D. Giáo Hội Byzantines đã gọi nơi đây là Núi Thánh Sion và được TiênTri Isaia nhắc đến trong Thánh Kinh. Năm 614, quân Ba Tư phá huỷ Nhà Thờ này và Đạo Binh Thánh Giá xây dựng lại và thế kỷ 12 với hình dáng như ngày nay. Năm 1176, Phần Mộ Vua David được toạ lạc trong nhà nguyện dưới. Năm 1552, những người Công Giáo bị trục xuất ra khỏi nhà nguyện trên và người Thổ Nhĩ Kỳ đã biến nhà nguyện trên thành nguyện đường Hồi Giáo với mái và vòm cầu nguyện theo kiểu Hồi Giáo. Chúng tôi đứng thành vòng tròn trong Nhà Tiệc Ly để hát và cầu nguyện. hạnh phúc dâng lên Thầy những tâm tư và nguyện vọng của mỗi người.
Sau đó, chúng tôi thăm viếng Phần Mộ của Vua David. Nam thăm một bên. Nữ thăm bên khác. 7 chàng ngự lâm pháo thủ chúng tôi lại được dịp đội mũ kipa truyền thống của người Do Thái khi cầu nguyện. Phần Mộ Vua David là nơi Cực Thánh của người Do Thái sau Bức Tường Phía Tây (Western Wall). Phần Mộ Vua David được khám phá do Rabbi Benjamin quê Tudela khi ông thăm viếng Jerusalem năm 1172. Phần mộ này được xây bằng đá được phủ vải thêu với triều thiên bằng bạc của Torah.
Hành Trình Bước Theo Thầy rất nhiều lần đi ngang qua Thung Lũng Kidron nổi tiếng trong Tân Ước. Thung lũng Kidron nằm giữa và ngăn cách Núi Cây Dầu với Kinh Thành Jerusalem. Đức Giêsu nhiều lần đã đi qua thung lũng này để vào Đền Thánh qua cửa Golden Gate hay từ Đền Thánh lên Núi Cây Dầu để cầu nguyện tại vườn Giệtxemani (Gethsemane), hay đến nhà Lazarô tại Bêtania. Ngày Thứ 5 Tuần Thánh, Ngài đã qua thung lũng này từ Phòng Tiệc Ly và gặp các Tông Đồ tại vườn Giệtxemani (Gethsemane). Sau đó, Ngài bị bội phản và bị điệu đến nhà Thầy Cả Thượng Tế Caipha. Tại thung lũng Kidron, có 4 ngôi mộ đặc biệt: Mộ của Absalom, Jehoshaphat, Thánh Giacôbê, và Thánh Zacharias. Hình thù của những ngôi mộ này có hình dáng của thời kỳ Hellenistic nguyên thuỷ. Theo tương truyền, thung lũng Kidron sẽ là nơi Phán Xét Chung ngày Tận Thế. Do đó, thung lũng này đã trở thành nghĩa trang lớn và những người Do Thái, Hồi Giáo, và Công Giáo thích chọn phần mộ của mình nơi đây.
Để cùng Thầy hành trình trong cuộc sống, chúng tôi đến thăm viếng Nhà Thờ Thánh Phêrô Gà Gáy - St Peter in Gallicantu, nơi Thánh Phêrô chối Chúa 3 lần, khi Thầy Chí Thánh bị hành hạ và nhục mạ tại nhà Thầy Thượng Tế Caipha. Chúng tôi thăm viếng những di tích và phòng giam Thầy Chí Thánh bị hành hạ tại đây. Tận mắt nhìn thấy Con đường Chúa Đã Đi Qua còn giữ nguyên vẹn 2000 năm nay. Ngài thường đi lên Đền Thánh bằng con đường này, và nhất là sau khi bị hành hạ tại Nhà Thầy Thượng Tế Caipha, quân lính cũng dẫn Ngài đi trên con đường này lần sau cùng trong cuộc đời của Ngài. Theo lịch sử, Nhà Thờ Thánh Phêrô Gà Gáy được xây dựng vào năm 1931 bên thung lũng Kidron do quý cha Assumptionist, bên cạnh ngôi nhà của Thầy Cả Thượng Tế Caipha. Đức Giêsu bị bội phản và bị bắt tại Vườn Giệtxêmani và bị điệu đến nhà này. Nơi đây, Ngài trải qua đêm kinh hoàng của sự kết án đầu tiên (Matthew 26:57 – 63, Mark 14:53 – 65, Luke 22:63 – 71, John 18: 12 – 14). Tại đây, Thánh Phêrô đã khóc lóc thảm thiết lúc gà gáy khi những lời tiên báo về sự chối Chúa của Phêrô ứng nghiệm: “Này Phêrô, Thầy nói cho con biết, hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì 3 lần con đã chối là không biết Thầy.” Quả thật, Phêrô đã chối Ngài 3 lần khi gà gáy lần thứ 2 (Matthew 26:34, Mark 14:66 – 72, Luke 22:54 – 62, John 18:15 – 18). Do kết quả của những lần khai quật, quý cha Assumptionist xác định Nhà Thờ Thánh Phêrô Gà Gáy nằm trên khu vực dinh Thầy Cả Thượng Tế Caipha. Tại đây, toàn bộ những di tích cũ được tìm thấy như cối xay bằng đá, hầm nhốt tù nhân, sân xét xử, nơi ở của gia nhân...Di tích của một Nhà Thờ đời xưa kiểu Byzantine đuợc tìm thấy. Những sỏi đá và đường đi bên cạnh sườn đồi còn giữ nguyên vẹn giống như thời Đức Kitô chịu hành hình. Vì đây là con đường ngắn nhất từ vườn Giệtxêmani lên Đền Thánh. Có thể những bước chân của Đức Kitô đã đi trên những viên đá này. Trong thời Đức Giêsu, nơi này nằm trong khu vực nội thành Jerusalem........

Xin bấm vào xem tiếp theo Hành Hương Cursillo 2011, Bước theo chân Thầy phần 3

 
© 2010. Bản quyền của www.paulvanchi.net